Năng lượng tái tạo

Điện gió

Đăng bởi Theo Đại Đoàn kết | 01:06 | 22/11/2012

Điện gió - tiềm năng còn bỏ ngỏ

So với các nước trong khu vực, Việt Nam thuộc tốp có tiềm năng điện gió khá lớn. Nhưng, tuy khởi động cách đây khá lâu, đến nay số dự án cũng như công suất điện gió tham gia vào thị trường điện năng còn ở mức vô cùng nhỏ bé.

Ảnh minh họa

Đến thời điểm này tổng công suất điện gió của Việt Nam mới dừng lại ở mức dưới 30MW, chiếm khoảng 5% tiềm năng sẵn có trong tự nhiên. Như vậy, có thể thấy không phải bây giờ mà kể cả những năm sắp tới, tiềm năng điện gió vẫn cứ tiếp tục… bay theo gió.

Các tỉnh thuộc miền Trung và miền Nam được xác định là khu vực có tiềm năng điện gió lớn nhất. Cường độ gió cũng như số ngày có gió trong năm đều ở mức cao, đó là lợi thế nổi trội tạo ra tiềm năng điện gió của các tỉnh thuộc khu vực nói trên. Theo đánh giá bước đầu của Tập đoàn điện lực, tiềm năng điện gió của Việt Nam nằm ở mức gần 1.800MW. Hiện thời, tại tỉnh Bạc Liêu, đang xây dựng nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam với tổng công suất hơn 99MW. Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ Công Lý đầu tư gần 200 triệu USD triển khai dự án này. Ngoài ra tại khu vực miền Trung và miền Nam, còn có hơn 35 dự án đang trong quá trình "khởi động” đầu tư vào lĩnh vực điện gió.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2030 (quy hoạch điểm VII) trong đó xác định ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nói chung cũng như điện gió nói riêng. Chủ trương cũng như quy hoạch đã được công bố từ nhiều năm, kèm theo nhiều giải pháp thể hiện sự ưu tiên và khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Chủ trương trên văn bản với việc làm trong thực tế chưa song hành, thậm chí có những việc làm còn vênh nhau rất lớn.  Thật là không công bằng khi dự án điện năng sử dụng than và khí được hưởng lợi từ cơ chế trợ cấp về giá, trong khi đó, mặc dù thuộc lĩnh vực được ưu tiên đặc biệt, điện gió lại không được hỗ trợ bao nhiêu.

Đầu tư cao nhưng giá bán điện lại thấp, đó là bất lợi lớn đối với lĩnh vực điện gió. Hiện thời suất đầu tư của điện gió lên đến 2 triệu USD/MW, gấp đôi so với suất đầu tư của thủy điện, chủ dự án sản xuất điện gió chỉ làm nhiệm vụ cung ứng, giá bán bao nhiêu do ngành điện lực quy định. Ngành điện lực  vừa là bên mua vừa là đối tượng được quyền quy định giá mua điện của các nhà sản xuất. Hiện thời ngành điện lực đưa ra quy định giá mua điện gió chỉ ở mức 7,8cents/KWh. Với mức giá như vậy, theo nhận xét từ phía các chủ dự án cũng như ý kiến các chuyên gia, đầu tư vào lĩnh vực điện gió khó tạo ra hiệu quả. Thậm chí có nhà đầu tư còn cho rằng, nếu không bãi bỏ những bất công và tiếp tục găm giá như quy định hiện thời, chủ dự án dùng khoản vốn đó gửi tiết kiệm còn có hiệu quả hơn so với đầu tư vào điện gió.

Nhiệt điện đang làm cho "vàng đen” của Tổ quốc ngày càng vơi cạn. Thậm chí trong tương lai gần, Việt Nam phải nhập khẩu than để "nuôi sống” các nhà máy nhiệt điện. Thủy điện bổ sung nguồn năng lượng khá lớn nhưng cũng gây ra đủ thứ hệ lụy. Hàng loạt dự án thủy điện (chủ yếu thuộc khu vực các tỉnh miền Trung) loại ra khỏi danh sách. Nhu cầu sử dụng điện năng không giảm mà còn tăng mạnh. Bổ sung năng lượng bằng điện gió là sự lựa chọn cần thiết và hoàn toàn đúng đắn. Không biết sử dụng thì gió trở lên phung phí. Nguồn năng lượng quí giá này hiện thời còn bỏ phung phí, trong khi cung – cầu về điện luôn luôn mất cân đối, hoạt động sản xuất cũng như nhu cầu đời sống nhiều phen khốn khổ vì thiếu điện.


TIN LIÊN QUAN

(09:20 - 02/03/2022)

Clip: Ngành Điện hỗ trợ các chủ đầu tư nhà máy điện gió trong việc đấu nối vào lưới điện truyền tải

Để đấu nối từ nhà máy điện gió lên hệ thống truyền tải điện quốc gia,...